
Vai trò của pháp điển hóa
2.1.2. Vai trò của pháp điển hóa
2.1.2.1. Pháp điển hoá góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Pháp điển hóa là hoạt động có vai trò lớn trong điều kiện thường xuyên có sự sửa đổi và hệ thống hóa các luật, văn bản quy phạm pháp luật. Thông qua đó, các văn bản quy phạm pháp luật được sắp xếp theo một trật tự bằng cách trình bày theo những lĩnh vực liên quan vào một văn bản duy nhất đó có thể là bộ pháp điển hoặc bộ luật, thay vì để các quy định nằm rải rác trong nhiều văn bản QPPL đơn lẻ. Việc đưa các quy định và chủ đề pháp lý liên quan vào trong cùng một chương hoặc phần của một bộ pháp điển sẽ tăng tính thống nhất của văn bản. Mọi điểm mâu thuẫn, chồng chéo và kẽ hở của pháp luật sẽ sớm được xác định, giảm bớt và loại bỏ một cách liên tục. Ngoài ra, bằng cách duy trì việc cập nhật bộ pháp điển thường xuyên sẽ góp phần làm cho hệ thống pháp luật trở nên đầy đủ, đồng bộ, thống nhất hơn. Nhờ vậy, công tác xây dựng pháp luật trở nên dễ dàng hơn, vì không còn cần phải sửa đổi hay ban hành toàn bộ luật cùng lúc, mà chỉ cần bổ sung, bãi bỏ hoặc sửa đổi các điều khoản riêng biệt của một bộ pháp điển khi có đề xuất xây dựng luật. Vì vậy quá trình pháp điển hoá có thể đưa ra các chỉnh sửa, đề xuất để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật là điều kiện cần thiết bảo đảm cho tính thống nhất về mục đích của pháp luật và sự triệt để trong việc thực hiện pháp luật. Điều này phải được thể hiện trong cả hệ thống pháp luật cũng như trong từng bộ phận hợp thành của nó ở tất cả các cấp độ khác nhau, nghĩa là giữa các ngành luật trong hệ thống pháp luật, giữa các chế định trong ngành luật, giữa các quy phạm pháp luật trong chế định pháp luật. Không còn hiện tượng trùng lặp, chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau của các quy phạm pháp luật trong mỗi bộ phận và trong các bộ phận khác nhau của hệ thống pháp luật. Như vây, thông qua hoạt động pháp điển hoá, những quy phạm pháp luật lỗi thời, lạc hậu, mâu thuẫn, chồng chéo sẽ bị loại bỏ và thay vào đó là những quy định mới. Kết quả cuối cùng là một văn bản QPPL mới ra đời không chỉ bảo đảm sự thống nhất, hài hòa về nội dung mà còn phải bảo đảm tính thứ bậc của các văn bản được pháp điển.
Về góc độ thẩm quyền, tính thứ bậc của các văn bản trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia cũng có tác động lớn tới việc pháp điển hóa. Để phát huy các giá trị to lớn của hoạt động này, vấn đề đặt ra là phải xử lý những xung đột về thẩm quyền của cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật để cho hệ thống pháp luật có tính thứ bậc theo một chỉnh thể thống nhất dựa trên quy định của Hiến pháp. Đây chính là cái đích của pháp điển hoá. Pháp điển hoá chính là hoạt động bảo đảm trật tự của hệ thống pháp luật, giúp cho hệ thống pháp luật được thống nhất và đồng bộ.
Tiếp đến, thông qua việc giao trách nhiệm rà soát và hệ thống hoá cho một số cơ quan chuyên môn đảm nhận – với đội ngũ gồm những người sửa đổi và pháp điển hoá chuyên nghiệp, được đào tạo chuyên môn, có nhiệm vụ liên tục sửa đổi và hệ thống hoá pháp luật thông qua việc pháp điển hoá, tính nhất quán, chất lượng và hiệu quả của văn bản ban hành sẽ cao hơn nhiều. Cũng thông qua quá trình tiến hành hoạt động pháp điển hóa mà các chủ thể có thẩm quyền biết được những lĩnh vực nào trên thực tế cần sự điều chỉnh của pháp luật nhưng lại chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh. Qua đó cần phải kịp thời bổ sung các quy phạm pháp luật mới nhằm kịp thời điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh trong đời sống. Do đó, hoạt động pháp điển hóa có vai trò lớn góp phần kiện toàn hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia.
Như vậy, dù với ý nghĩa là một phương pháp kiện toàn hệ thống pháp luật hay với ý nghĩa là phương pháp sáng tạo pháp luật thì pháp điển hoá bao giờ cũng là một hoạt động quan trọng của Nhà nước. Pháp điển hoá có vai trò lớn đối với công tác xây dựng pháp luật, tạo ra một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ.
2.1.2.2. Pháp điển hoá góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực và giá trị điều chỉnh của pháp luật, bảo đảm tính phù hợp và khả thi của hệ thống pháp luật.
Có thể khẳng định mỗi quốc gia có cách hiểu và tiến hành pháp điển hoá theo hình thức riêng phù hợp với đặc điểm của mình. Mặc dù xuất phát điểm hay cách thức tiến hành có khác nhau nhưng cũng đều đi đến mục tiêu cuối cùng là giúp cho việc tìm kiếm, tra cứu và áp dụng pháp luật được dễ dàng, hay nói cách khác, chính là nhằm hoàn thiện và nâng cao giá trị điều chỉnh của pháp luật trên thực tế.
Điều chỉnh pháp luật là một dạng điều chỉnh xã hội có tổ chức và có mục đích. Các quan hệ xã hội rất đa dạng và phong phú nên cần rất nhiều những công cụ điều chỉnh khác nhau, trong đó có pháp luật. Điều chỉnh pháp luật là nhà nước dùng pháp luật, thông qua pháp luật, bằng pháp luật để tổ chức đời sống xã hội, bảo đảm cho chúng vận động, phát triển phù hợp với ý chí của nhà nước mang lại lợi ích cho nhà nước, cho xã hội và nhân dân. Điều chỉnh pháp luật theo nghĩa rộng bao hàm tất cả các khâu, các quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống (đồng nghĩa với sự tác động của thượng tầng kiến trúc pháp lí tới hạ tầng cơ sở); điều chỉnh pháp luật theo nghĩa hẹp là quá trình tác động của quy phạm pháp luật lên quan hệ xã hội theo định hướng nhất định (chỉ bắt đầu từ khi đưa QPPL vào cuộc sống, nghĩa là khi quy phạm pháp luật đã có hiệu lực, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lí của các chủ thể và việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lí đó) [120, tr.469-470]. Như vậy, dù có hiểu theo nghĩa rộng hoặc nghĩa hẹp thì điều chỉnh pháp luật đều nhằm nhấn mạnh quá trình tác động của pháp luật lên các quan hệ xã hội. Để điều chỉnh pháp luật đạt được giá trị cao, đòi hỏi pháp luật phải phù hợp với các quan hệ xã hội. Muốn vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động pháp điển hóa nhằm bảo đảm các quy phạm pháp luật lạc hậu, mâu thuẫn, trùng lặp sẽ bị loại bỏ thay vào đó là các quy phạm pháp luật phù hợp với sự phát triển của các quan hệ xã hội.
Bên cạnh đó, mục đích của pháp điển hoá pháp luật, nếu nhìn nhận từ lợi ích của cơ quan nhà nước thì việc hiểu biết và tiếp cận với văn bản quy phạm pháp luật sau khi được pháp điển hoá là rất quan trọng, vì các cơ quan nhà nước phải biết một cách hệ thống những văn bản nào cần áp dụng trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Nếu nhìn nhận từ phía công dân thì công tác pháp điển hoá cũng rất cần thiết, vì nó giúp công dân biết được văn bản cần áp dụng trong những tình huống cụ thể mà họ gặp trong đời sống. Điều đó giúp công dân tự bảo vệ mình tốt hơn nếu không hài lòng với cách xử lý của cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, pháp điển hoá có vai trò quan trọng trong quá trình đưa pháp luật đi vào đời sống xã hội, cũng có nghĩa là làm tăng giá trị của pháp luật trong đời sống hay đảm bảo tính khả thi của pháp luật.
2.1.2.3. Pháp điển hoá hỗ trợ việc nhận thức, tiếp cận nghiên cứu và tìm hiểu các quy định của pháp luật được thuận lợi.
Tiếp cận pháp luật là một vấn đề quan trọng mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều quan tâm và có thể coi đó là “quyền” của công dân, các nhà nước và đặc biệt là những nhà nước hiện đại đều phải có nghĩa vụ để đảm bảo cho “quyền tiếp cận pháp luật” của người dân trở thành hiện thực. “Tiếp cận” một từ Việt gốc Hán được hiểu là kề bên nhau [1, tr.582], hoặc theo một cách lý giải khác là tiến đến gần, đến sát lại [92, tr.925], tiếp cận pháp luật được hiểu là tiến đến gần pháp luật hay chính là đưa pháp luật đến gần với người dân, gần đến mức là sát lại, kề bên nhau. Tuy nhiên, thực tế mỗi quốc gia trong quá trình tồn tại và phát triển của mình đều đã ban hành ra một số lượng rất lớn các văn bản quy phạm pháp luật và thậm chí một số văn bản còn gặp phải những vấn đề về nội dung, nên làm cho người dân khó có thể tiếp cận với pháp luật. Thực tế trên có thể thấy trong rất nhiều quốc gia hiện đại ngày nay.
Như vậy, để giúp người dân có thể tiếp cận pháp luật cũng như phát huy các giá trị của pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội thì cần phải đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Muốn làm được điều đó, chính bằng cách tiến hành pháp điển hóa pháp luật. Thông qua hoạt động pháp điển hóa, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật được tập hợp, sắp xếp theo những lĩnh vực, chủ đề, thời gian nhất định trong một văn bản duy nhất; các văn bản quy phạm pháp luật đó không còn sự trùng lặp, mâu thuẫn, chồng chéo … Những lợi ích mà hoạt động pháp điển hóa mang lại sẽ làm cho người dân sát lại gần với pháp luật hơn. Hay nói cách khác, hoạt động pháp điển hóa có vai trò to lớn trong việc tiếp cận pháp luật của người dân ở mỗi quốc gia trên thế giới.
Hơn nữa, từ việc người dân dễ dàng và thuận tiện tiếp cận với pháp luật, họ sẽ có điều kiện để nghiên cứu và tìm hiểu kĩ lưỡng về các quy định của pháp luật. Thực tế, trong nhiều trường hợp người dân không biết, không quan tâm và không hiểu về các quy định của pháp luật là do sự rườm rà của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, từ kết quả của hoạt động pháp điển hóa, góp phần đưa người dân tới gần các quy định của pháp luật hơn. Việc họ nghiên cứu, tìm hiểu để có những kiến thức cần thiết về pháp luật được thuận lợi hơn, qua đó áp dụng các quy định của pháp luật chính xác.
Theo Phí Thị Thanh Tuyền
Link: Tại đây
