
Khái niệm quyền tài sản
1.1.1. Khái niệm quyền tài sản
Quyền tài sản là một bộ phận cấu thành trong nội hàm của khái niệm tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay. Vì lẽ đó, để xây dựng được khái niệm quyền tài sản nhất thiết phải đi từ việc nghiên cứu khái niệm tài sản.
Pháp luật của Cộng hoà Pháp không đưa ra một định nghĩa cụ thể về tài sản mà tiếp cận thuật ngữ này gián tiếp thông qua việc phân loại tài sản thành động sản và bất động sản. Theo đó, tài sản được chia thành động sản và bất động sản. Với cách tiếp cận này, nội hàm của khái niệm “tài sản” trong pháp luật của Cộng hoà Pháp xoay quanh hai khái niệm là “động sản” và “bất động sản”. Nội hàm khái niệm “bất động sản” trong pháp luật của Cộng hoà Pháp không đơn thuần chỉ có những vật hữu hình, bất động, không thể dịch chuyển về mặt cơ học như: đất đai, nhà cửa, công trình xây dựng trên đất, mà bao gồm cả các quyền tài sản (các tài sản tồn tại dưới dạng vô hình) do gắn liền với đối tượng là bất động sản như quyền khởi kiện đòi lại một bất động sản. Thậm chí súc vật (động vật) mà người chủ đất đã giao cho người thuê đất canh tác được coi là bất động sản khi chúng được gắn liền với ruộng đất theo thoả thuận. Rõ ràng, mặc dù không đề cập trực tiếp đến các “quyền tài sản” nhưng thông qua các quy định trong BLDS, khái niệm “tài sản” trong pháp luật của Cộng hoà Pháp bao hàm cả các “quyền tài sản”, mang bản chất của bất động sản.
Khác với cách tiếp cận trên, những nhà lập pháp Hoa Kỳ nhìn nhận tài sản dưới góc độ là tập hợp các quyền của chủ thể, theo đó “Tài sản như một tập hợp các quyền trong mối liên quan với vật”. Những quyền quan trọng nhất hay những lợi ích lớn nhất đối với tài sản mà một người có thể có được, gồm: (1) Quyền loại trừ (The right to exclude) - quyền ngăn không cho người khác sử dụng hay chiếm hữu. Ví dụ: A có một mảnh đất thì A sẽ có quyền ngăn chặn người hàng xóm hay người lạ xâm phạm mảnh đất của mình; (2) Quyền chuyển nhượng (The right to transfer), người nắm giữ quyền này có thể chuyển nhượng cho người khác bằng cách bán, tặng cho hay thông qua di chúc, tuy nhiên pháp luật quy định sự hạn chế khác nhau đối với quyền này. Ví dụ anh A là chủ sở hữu mảnh đất ở ví dụ trên không thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất vì mục đích trốn nợ, hay không đồng ý bán vì sắc tộc, màu da, giới tính của người mua… (3) Quyền chiếm hữu và sử dụng (The right to possess and use) - đây có thể coi là quyền cơ bản đối với người nắm giữ “quyền tài sản” nhưng như đã nói ở trên vì quyền tài sản là không tuyệt đối nên đều có những ngoại lệ. Ví dụ A có thể cho B thuê mảnh đất trong thời hạn là 01 năm, điều đó có nghĩa là A đã tạm thời từ bỏ quyền chiếm hữu và sử dụng mảnh đất nhưng A vẫn là người nắm giữ quyền tài sản đối với mảnh đất đó.
Thông qua việc nghiên cứu trên, có thể nhận thấy khái niệm về tài sản trong pháp luật của các quốc gia có nhiều điểm khác biệt. Nguyên nhân dẫn đến những khác biệt này là do sự ảnh hưởng của các học thuyết pháp lý khác nhau lên tư tưởng của các nhà lập pháp. Nếu như Pháp luật của Cộng hoà Pháp dựa vào trường phái “Luật tự nhiên” để lý giải cho cách định nghĩa cũng như phân loại tài sản, thì pháp luật của Hoa Kỳ lại dựa theo trường phái “Thực chứng pháp lý” (legal positivism) để xây dựng khái niệm tài sản.
BLDS năm 2005 của Việt Nam trước đây đã xây dựng khái niệm tài sản bằng cách liệt kê những dạng tồn tại của tài sản nhằm xác định phạm vi cho khái niệm, theo đó “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”6. Đến BLDS năm 2015, quy định về tài sản có chút ít thay đổi về mặt kỹ thuật, theo đó, “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Dưới góc độ khoa học pháp lý, đây không phải là một định nghĩa hoàn chỉnh về tài sản, những nhà lập pháp đang cố gắng liệt kê tất cả các dạng tồn tại của tài sản trong đời sống xã hội. Việc liệt kê các dạng tồn tại của tài sản này có thể dẫn đến tình trạng bỏ sót một số tài sản đang hiện hữu trong thực tiễn cuộc sống, đồng thời không chỉ rõ được các đặc tính pháp lý cơ bản để nhận diện tài sản. Khi nghiên cứu các quy định về tài sản tại Chương VII, BLDS năm 2015 (từ Điều 105 đến Điều 115). Có thể nhận thấy hai vấn đề: Thứ nhất, mặc dù Điều 105 có nhắc đến tiền và giấy tờ có giá với tính chất là một loại tài sản luật định tuy nhiên cả Chương VII không có quy định giải nghĩa hai loại tài sản này. Thứ hai, việc nhà lập pháp quy định “quyền tài sản” duy nhất ở một điều luật (Điều 115) và chỉ đưa ra một tiêu chí nhận diện quyền tài sản – “phải trị giá được bằng tiền” chưa làm rõ được nội hàm của khái niệm quyền tài sản.
Quyền tài sản là loại tài sản vô hình đặc biệt, được quy định trong các BLDS của Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay các nhà lập pháp vẫn chưa thể xây dựng được khái niệm hoàn chỉnh về quyền tài sản. BLDS năm 2005 đã định nghĩa: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong GDDS, kể cả quyền SHTT”. Theo quan điểm của những nhà lập pháp BLDS năm 2005, quyền tài sản phải thỏa mãn hai đặc điểm cơ bản: Thứ nhất, các quyền tài sản phải có giá trị kinh tế (trị giá được bằng tiền); Thứ hai, quyền tài sản có thể được chuyển giao trong GDDS. Đối chiếu với các quy định khác ngay trong BLDS năm 2005, có thể suy đoán một số quyền đem lại lợi ích kinh tế cho con người nhưng không được chuyển giao trong các GDDS như quyền yêu cầu cấp dưỡng, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm sẽ không được coi là quyền tài sản vì không thể chuyển giao thông qua các GDDS.
Khắc phục những hạn chế của BLDS năm 2005, những nhà lập pháp BLDS năm 2015 nhìn nhận: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng SHTT, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Theo đó, quyền tài sản chỉ còn mang một đặc điểm “có thể trị giá được bằng tiền”. Những nhà lập pháp BLDS năm 2015 cho rằng bản chất của quyền tài sản chỉ cần nhìn nhận ở góc độ giá trị kinh tế của nó, việc có thể chuyển giao hay không thể chuyển giao thông qua các GDDS chỉ nhằm mục đích xác định những quyền tài sản nào là đối tượng của GDDS. Cùng với việc đưa ra định nghĩa quyền tài sản, những nhà lập pháp BLDS năm 2015 còn cố gắng liệt kê những quyền tài sản hiện có gồm quyền SHTT, quyền sử dụng đất… đã dẫn đến hai hệ quả: (i) Thiếu những đặc điểm pháp lý để nhận diện quyền tài sản; (ii) Việc liệt kê các quyền tài sản tại một điều luật dẫn đến sự thiếu sót nhiều quyền tài sản đang được pháp luật ghi nhận trong các luật chuyên ngành khác.
Tiếp cận học thuyết “Vật quyền” giống một số quốc gia theo truyền thống pháp luật Civil Law, lần đầu tiên BLDS năm 2015 của Việt Nam đã ghi nhận các quyền khác đối với tài sản, theo đó: “Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc sở hữu của chủ thể khác. Các quyền khác đối với tài sản bao gồm: quyền đối với bất động sản liền kề; quyền hưởng dụng; quyền bề mặt”. Dấu hiệu dễ nhận biết để phân biệt giữa quyền sở hữu với quyền khác đối với tài sản là tư cách của người đang trực tiếp nắm giữ, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Nếu một người không phải là chủ sở hữu tài sản mà có quyền nắm giữ, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản của người khác thì được xác định là người có quyền khác đối với tài sản (loại trừ những người có quyền sử dụng tài sản của người khác thông qua hợp đồng thuê, hợp đồng mượn).
Các quyền khác đối với tài sản trong BLDS năm 2015 là một khái niệm mới được sử dụng để phân biệt với khái niệm quyền sở hữu và khái niệm quyền tài sản. Hiện nay, có ý kiến cho rằng, khái niệm quyền khác đối với tài sản không phải là một bộ phận cấu thành của khái niệm quyền tài sản theo quy định BLDS. Lý giải cho cách tiếp cận này, các học giả cho rằng, cách tiếp cận khái niệm tài sản trong BLDS của Việt Nam xây dựng theo hướng “tài sản là đối tượng của quyền sở hữu”. Quyền sở hữu được BLDS quy định bằng cách liệt kê các quyền năng cụ thể của chủ sở hữu được thực hiện trên tài sản của mình. Các quyền khác đối với tài sản, ở góc độ nào đó được hiểu là “sự phân rã” của quyền sở hữu (chủ sở hữu đã chuyển giao một số quyền năng của mình cho chủ thể hưởng quyền khác đối với tài sản nhưng vẫn giữ lại quyền định đoạt tài sản của mình). Vì vậy, các quyền khác đối với tài sản có nội hàm hẹp hơn khái niệm quyền sở hữu và không thể đồng nhất với khái niệm quyền tài sản.
Đối lập với ý kiến trên trên, một số học giả khác lại cho rằng, quyền khác đối với tài sản là một bộ phận trong nội hàm của khái niệm quyền tài sản. Tác giả cũng có cùng quan điểm này. Như đã phân tích ở trên, tài sản và quyền sở hữu là hai khái niệm không thể tách rời khi xây dựng pháp luật về tài sản của mỗi quốc gia. Một chủ thể khi xác lập quyền sở hữu đối với tài sản không chỉ quan tâm đến giá trị kinh tế của tài sản mình sẽ sở hữu mà còn quan tâm đến cả các quyền năng mình được xác lập, thực hiện trên tài sản đó. Dễ dàng nhận thấy, các quyền khác đối với tài sản khi được xác lập đều mang lại những lợi ích kinh tế cụ thể cho chủ thể hưởng quyền, đồng thời các quyền này cũng có thể chuyển giao cho chủ thể khác thông qua GDDS hoặc theo quy định của luật, tức là chúng mang đầy đủ những đặc điểm của quyền tài sản theo quy định của BLDS.
Hiện nay, trong giới luật học Việt Nam còn có nhiều quan điểm khác nhau về quyền tài sản. Có quan điểm cho rằng: “Quyền tài sản trong luật thực định Việt Nam được hiểu là quan hệ pháp luật khác với quan hệ sở hữu mà trên cơ sở quan hệ khác đó, một lợi ích định giá được bằng tiền hình thành và thuộc về một chủ thể của quan hệ đó”. Quan điểm này thể hiện góc nhìn của tác giả về quyền tài sản, theo đó, quyền tài sản được nhìn nhận dưới góc độ là một quan hệ pháp luật. Trong quan hệ này, chủ thể quyền sẽ nhận được một lợi ích vật chất nhất định, lợi ích vật chất đó có thể định giá được bằng tiền. Quan điểm này đi ngược lại với các quan điểm truyền thống về quyền tài sản khi luôn coi quyền tài sản – một bộ phận cấu thành trong nội hàm khái niệm quyền sở hữu là phải đối tượng của quyền sở hữu.
Bên cạnh đó, có quan điểm khác lại cho rằng: “Quyền tài sản có thể được hiểu theo nghĩa rộng là tổng hợp các quyền và lợi ích của chủ thể trong việc chi phối, kiểm soát tài sản gồm chủ sở hữu và người có quyền khác với tài sản”. Với góc nhìn tách biệt giữa tài sản – đối tượng của quyền sở hữu với các quyền năng của chủ thể được thực hiện trên tài sản, tác giả nhìn nhận quyền tài sản mang bản chất là những quyền năng của chủ thể quyền trong việc chi phối, kiểm soát tài sản, các quyền năng lại đem lại lợi ích thực tế cho chủ thể quyền. Hạn chế của quan điểm này là phạm vi nội hàm của quyền tài sản rất hẹp, thiếu vắng những quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng, bởi lẽ trong quan hệ hợp đồng, quyền của một chủ thể chỉ đạt được thông qua hành vi thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ.
Như đã phân tích ở trên, dưới góc độ pháp luật tài sản, quyền và vật được đặt đối lập với nhau, không thể phân ra hai loại tài sản khác nhau. Nếu tiếp cận khái niệm tài sản dưới góc độ là vật, tài sản được phân loại theo tiêu chí vật lý. Các vật có thể nhận biết được bằng giác quan tiếp xúc được gọi là vật hữu hình; ngược lại, các vật không thể nhận biết được bằng giác quan tiếp xúc được gọi là vật vô hình. Pháp luật của Cộng hoà Pháp chịu ảnh hưởng bởi học thuyết “Luật tự nhiên” đã tiếp cận và xây dựng khái niệm tài sản theo góc độ này. Nếu tiếp cận khái niệm tài sản dưới góc độ quyền, tài sản cũng được phân loại thành các nhóm: (i) Các quyền được thực hiện trực tiếp trên một vật hữu hình mà không cần sự hỗ trợ của một người nào khác gọi là quyền đối vật, ví dụ như quyền sở hữu, quyền hưởng dụng tài sản... (ii) Các quyền được thực hiện thông qua hành vi của người khác, gọi là quyền đối nhân. Ví dụ: quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán từ hợp đồng mua bán, hợp đồng cung cấp dịch vụ... (iii) Các quyền không được thực hiện trực tiếp trên một vật, cũng không thông qua hành vi của một người nào mà tồn tại theo quy định của luật. Ví dụ: các quyền đối với các đối tượng của quyền SHTT. Pháp luật của Hoa kỳ chịu ảnh hưởng bởi học thuyết “Thực chứng pháp lý” (legal positivism) tiếp cận và xây dựng khái niệm tài sản theo góc độ này.
Khác biệt với pháp luật của các quốc gia khác, pháp luật Việt Nam hiện hành không coi quyền và vật như là những cách tiếp cận khác nhau về tài sản, mà coi đây là các loại tài sản khác nhau. Trong các BLDS của Việt Nam, khái niệm quyền tài sản được xây dựng như một khái niệm đối lập với khái niệm vật trong cách phân loại tài sản. Những nhà lập pháp cho rằng, vật với tư cách là một tài sản phải được biểu hiện dưới dạng hữu hình. Đối lập với các vật hữu hình, quyền tài sản là những “vật vô hình”. Bởi vậy, muốn xây dựng được khái niệm quyền tài sản phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành cần phải xác định rõ vị trí, vai trò của khái niệm quyền tài sản trong hệ thống các căn cứ phân loại tài sản. Khái niệm quyền tài sản phải đảm bảo được hai yếu tố: (i) Quyền tài sản là khái niệm để chỉ một trong các dạng tồn tại của tài sản bên cạnh khái niệm vật; (ii) Nội hàm khái niệm quyền tài sản phải bao hàm hết được các tài sản tồn tại dưới dạng vô hình, góp phần bổ khuyết cho khái niệm vật.
Việc hoàn thiện khái niệm quyền tài sản là một việc làm quan trọng và cần thiết, góp phần hoàn thiện chế định tài sản trong BLDS Việt Nam. Từ đó làm cơ sở để xác định phạm vi các quyền tài sản có thể trở thành đối tượng của các GDDS. Tuy nhiên, việc quy định như thế nào, sao cho chính xác thì không hề đơn giản. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích khái niệm tài sản, các cách tiếp cận về tài sản trong pháp luật của một số quốc gia khác trên thế giới, cũng như quy định về tài sản trong BLDS của Việt Nam, tác giả nhận thấy việc xây dựng khái niệm quyền tài sản phải đi từ tư tưởng chủ đạo khi xây dựng khái niệm tài sản của BLDS. BLDS của Việt Nam nên tiếp cận khái niệm tài sản dưới góc độ vật, theo đó tài sản được chia làm 02 (hai) loại: vật hữu hình và vật vô hình. Khái niệm vật vô hình trên thực tế đã được BLDS Việt Nam nhìn nhận với tên gọi quyền tài sản. Trên cơ sở đó, có thể đưa ra khái niệm về quyền tài sản như sau:
“Quyền tài sản là những tài sản vô hình đem lại lợi ích vật chất cho chủ thể hưởng quyền”.
Theo Nguyễn Hoàng Long
Link: Tại đây
