
Các thước đo phản ánh hiệu quả hoạt động của công ty đầu tư vốn nhà nước
2.4. Các thước đo phản ánh hiệu quả hoạt động của công ty đầu tư vốn nhà nước
Hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được sử dụng các thước đo như: các chỉ tiêu về tài chính, chỉ tiêu suất sinh lời của tiền vốn phải được đánh giá song song giữa lợi ích của kinh tế và lợi ích của xã hội, dĩ nhiên tỷ suất sinh lời tiền vốn không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc đánh giá hiệu quả còn cần quan tâm tới việc doanh nghiệp phân phối lợi nhuận cho người lao động, số lượng lao động được giải quyết, tỷ lệ đóng góp ngân sách cho nhà nước và lợi ích của xã hội.
2.4.1. Các thước đo hiệu quả về mặt tài chính
Đối với bản thân SWF: thể hiện vai trò của vai trò của SWF, SCIC trong chiến lược đầu tư vốn của nhà nước vào những lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế, khắc phục tình trạng kém hiệu quả, góp phần làm tăng giá trị tài sản của doanh nghiệp, hình thành những tiềm lực sản xuất mới, tạo điều kiện mở rộng quy mô, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Chỉ tiêu phản ánh hiệu quả đo lường hiệu quả hoạt động kinh doanh là tỷ suất sinh lời trên tài sản ROA và tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROE đã được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng (Demsetz & Lehn, 1985; Gorton & Rosen, 1995; Mehran, 1995; Kubo & Phan, 2019) và trong thực tiễn, các nhà quản lý doanh nghiệp thường sử dụng những chỉ tiêu tài chính này để đo lường và cải thiện hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên hiệu quả hoạt động kinh doanh có thể bị tác động bởi mục tiêu của doanh nghiệp mà họ sẽ lựa chọn chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động phù hợp của doanh nghiệp. Ngoài ra, các chỉ tiêu tài chính khác được sử dụng đánh giá hiệu quả tài chính như chỉ số thị giá trên thư giá (Price-to-book ratio - PTB).
Tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản (Return on asset – ROA): trong quá trình tiến hành hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp đều mong muốn có lãi, bằng cách so sánh lợi nhuận với tài sản đầu tư sẽ thấy được khả năng tạo ra lợi nhuận từ tài sản, có thể xác định bằng công thức: Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản = lợi nhuận sau thuế / tổng tài sản bình quân. Chỉ tiêu này cho biết doanh nghiệp bỏ ra một đồng tài sản đầu tư thì thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế, chỉ tiêu này càng cao, chứng tỏ hiệu quả sử dụng tài sản tốt, đó là nhân tố góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (Return on equity – ROE): là chỉ tiêu phản ánh một đơn vị vốn đầu tư của chủ sở hữu đem lại bao nhiêu đơn vị lợi nhuận sau thuế. Chỉ số của chỉ tiêu này càng lớn, chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp càng tốt, góp phần nâng cao khả năng đầu tư của chủ doanh nghiệp. Được xác định theo công thức: Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu = lợi nhuận sau thuế /vốn chủ sở hữu bình quân. Trong đó, số vốn chủ sở hữu bình quân được xác định bằng trung bình giữa vốn chủ sở hữu cuối kỳ và đầu kỳ. Vốn chủ sở hữu bình quân = Số vốn chủ sở hữu hiện có đầu kỳ + Số vốn chủ sở hữu hiện có cuối kỳ.
Chỉ số thị giá trên thư giá (Price-to-book value - PTB): là chỉ tiêu phản ánh đánh giá của các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu đối với giá trị của công ty. Chỉ số này càng cao thể hiện nhà đầu tư đánh giá cao về triển vọng của doanh nghiệp. Thị giá (Market capitalization) của công ty bằng tích của giá cổ phiếu nhân với lượng cổ phiếu hiện hành. Thư giá bằng giá trị sổ sách của tổng tài sản của công ty. Chỉ số này giúp cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về hiệu quả tài chính của doanh nghiệp, do ROA và ROE có thể bị ảnh hưởng bởi các kỹ thuật quản trị lợi nhuận (Dechow, 2002), trong khi PTB thể hiện đánh giá của nhà đầu tư bên ngoài trên nhiều khía cạnh liên quan đến công ty. Đã có nhiều nghiên cứu sử dụng đồng thời thước đo này để tránh việc ROA/ROE bị sai lệch do ảnh hưởng bởi các động cơ về quản trị lợi nhuận (Kubo và Phan, 2019).
Do SWF là công ty chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp mục tiêu khác, nên thước đo hiệu quả đầu tư là thông qua đánh giá các thước đo về mặt tài chính của các doanh nghiệp nhận đầu tư của SWF. Nếu các SWF là các nhà đầu tư giỏi, hiệu quả hoạt động hay lợi nhuận của các doanh nghiệp nhận đầu tư của SWF sẽ tăng lên. Vì thế, chuyên đề nhận thấy có thể kết hợp cả hai loại thước đo (sổ sách kế toán và thị trường) là thước đo phản ánh hiệu quả của các doanh nghiệp mục tiêu nhận đầu tư của các SWF như ROE, ROA và PTB.
2.4.2. Các thước đo hiệu quả về mặt phi tài chính
Vai trò xã hội của DNNN còn thể hiện qua việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động, tỷ lệ đóng góp thuế cho nhà nước; tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng chính sách phát triển, DNNN đóng vai trò rất đặc biệt trong việc thực hiện những mục tiêu phát triển và cân bằng xã hội. Do chức năng tách bạch đầu tư và sở hữu nguồn vốn, các SWF được kỳ vọng có hiệu quả tài chính tốt hơn các cơ quan nhà nước thông thường. Vì thế, một loại thước đo thường thấy trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động ủa công ty đầu tư vốn nhà nước là hiệu quả tài chính. Ngoài ra, theo phân tích ở trên, các SWF có thể phải thỏa mãn các đối tượng liên quan khác như công dân và chính phủ quốc gia tài trợ cho SWF, tùy thuộc vào yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên là nhà nước. Do đó, các thước đo phi tài chính khác phản ánh hiệu quả xã hội cũng cần thiết để có thể phản ánh hiệu quả toàn diện của các SWF.
Theo các lý thuyết các bên liên quan và lý thuyết người đại diện, công ty đầu tư vốn nhà nước không chỉ hoạt động như là công ty đầu tư chuyên nghiệp, mà còn là các công dân của quốc gia. Vì thế, hiệu quả hoạt động không chỉ gắn hiệu quả về mặt tài chính của các công ty nhận đầu tư, mà còn thể hiện qua hiệu quả phi tài chính của các công ty này. Đây là vấn đề mang tính chiến lược đầu tư vốn của quốc gia, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững, vươn ra khỏi tầm của một công ty hoạt động vì lợi nhuận thông thường. Việc đánh giá hiệu quả phi tài chính (xã hội) của các SWF là cần thiết, và có thể được thực hiện qua các thước đo sau:
Đối với chủ sở hữu trực tiếp là nhà nước: một trong những nguồn thu lớn cho nhà nước là thuế, bao gồm hai loại thuế gián thu và trực thu. Với thuế trực thu, các doanh nghiệp mục tiêu có lợi nhuận và sẽ nộp thuế trên lợi nhuận đạt được. Nhằm xem xét hiệu quả của SWF đối với chủ sở hữu trực tiếp, tỷ lệ thuế nộp cho nhà nước là một thước đo phù hợp. Hơn nữa, trong các nghiên cứu về tránh thuế (tax avoidance), thước đo này cũng thường được dùng để đại diện cho mức độ tránh thuế, do đó rất phù hợp để đánh giá hiệu quả về mặt phi tài chính liên quan đến nghĩa vụ thuế. Các doanh nghiệp góp mặt vào các quỹ chuyên về trách nhiệm xã hội, từ đó gia tăng danh tiếng (Sharfman, 1996; Brammer, 2006). Đóng góp thuế nhiều cũng có thể là một cách gián tiếp góp phần vào các hoạt động xã hội này. Ngoài ra, còn có trường phái cho rằng việc đóng thuế là trách nhiệm xã hội của công ty mà đại diện là Milton Friedman (1970). Theo đó, Friedman (1970) lập luận rằng trách nhiệm chính của công ty là đóng góp thuế cho nhà nước, trong khi trách nhiệm của chính phủ là dùng tiền thuế cho hiệu quả vì cộng đồng, xã hội. Từ những quan điểm trên, tác giả lựa chọn thuế nộp ngân sách nhà nước như một thước đo về hiệu quả xã hội của doanh nghiệp.
Theo: Nguyễn Thanh Đoàn
Link luận án: Tại đây
