Những lưu ý khi lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử
Theo Công văn 4144/TCT-CS ngày 28/10/2021, Tổng cục Thuế đã giới thiệu 10 nội dung mới về hóa đơn điện tử của Thông tư 78/2021/TT-BTC, trong đó có tiêu chí để lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử.
Cụ thể, việc lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử cần dựa trên những tiêu chí như sau:
* *Đối với tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và không có mã cho người bán và người mua:
- Về chủ thể:
+ Là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin được thành lập theo pháp luật Việt Nam.
+ Thông tin về dịch vụ hóa đơn điện tử được công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức.
- Về nhân sự: Có tối thiểu 5 nhân sự trình độ đại học chuyên ngành về công nghệ thông tin.
- Về kỹ thuật: Có hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm đáp ứng yêu cầu:
+ Cung cấp giải pháp khởi tạo, xử lý, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và hóa đơn điện tử không có mã cho người bán và người mua theo quy định của pháp luật về hóa đơn điện tử và pháp luật khác có liên quan;
+ Có giải pháp nhận, truyền dữ liệu hóa đơn điện tử với người sử dụng dịch vụ; giải pháp truyền, nhận dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế thông qua tổ chức nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử. Thông tin quá trình nhận, truyền dữ liệu phải được ghi nhật ký để phục vụ công tác đối soát;
+ Có giải pháp sao lưu, khôi phục, bảo mật dữ liệu hóa đơn điện tử;
+ Có tài liệu kết quả kiểm thử kỹ thuật thành công về giải pháp truyền nhận dữ liệu hóa đơn điện tử với tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử.
Trình tự đăng tải thông tin lên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế:
- Tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử gửi hồ sơ chứng minh đáp ứng các tiêu chí gồm tài liệu mô tả dịch vụ và cam kết thực hiện Tổng cục Thuế.
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tổng cục Thuế đăng công khai tài liệu mô tả dịch vụ và cam kết của tổ chức lên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
- Các tổ chức phải chịu trách nhiệm về hồ sơ văn bản cung cấp.
Trong quá trình hoạt động, trường hợp phát hiện tổ chức cung cấp dịch vụ không đúng quy định, Tổng cục Thuế thông báo và hủy thông tin công khai của tổ chức trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
* *Đối với tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử:
- Về chủ thể:
+ Là tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, có tối thiểu 05 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin
+ Thông tin về dịch vụ hóa đơn điện tử được công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức.
- Về tài chính: Có ký quỹ tại một ngân hàng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam hoặc có giấy bảo lãnh của một ngân hàng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam với giá trị không dưới 5 tỷ đồng để giải quyết các rủi ro và bồi thường thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ.
- Về nhân sự: Có tối thiểu 20 nhân sự trình độ đại học chuyên ngành về công nghệ thông tin.
- Về kỹ thuật: Có hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm đáp ứng yêu cầu:
+ Cung cấp giải pháp khởi tạo, xử lý, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về hóa đơn điện tử và pháp luật khác có liên quan;
+ Có giải pháp kết nối, nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử với tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và không có mã cho người bán và người mua; giải pháp kết nối nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế. Thông tin quá trình nhận, truyền dữ liệu phải được ghi nhật ký để phục vụ công tác đối soát;
+ Hệ thống hạ tầng kỹ thuật cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử được vận hành trên môi trường trung tâm dữ liệu chính và trung tâm dữ liệu dự phòng. Trung tâm dự phòng cách xa trung tâm dữ liệu chính tối thiểu 20km và sẵn sàng hoạt động khi hệ thống chính gặp sự cố;
+ Hệ thống có khả năng phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn các truy cập không hợp pháp, các hình thức tấn công trên môi trường mạng để bảo đảm tính bảo mật, toàn vẹn của dữ liệu trao đổi giữa các bên tham gia;
+ Có hệ thống sao lưu, khôi phục dữ liệu;
+ Kết nối với Tổng cục Thuế thông qua kênh thuê riêng hoặc kênh MPLS VPN Layer 3 hoặc tương đương, gồm 1 kênh truyền chính và 2 kênh truyền dự phòng. Mỗi kênh truyền có băng thông tối thiểu 20 Mbps; sử dụng dịch vụ Web (Web Service) hoặc hàng đợi (Queue) có mã hóa làm phương thức để kết nối; sử dụng giao thức SOAP/TCP để đóng gói và truyền nhận dữ liệu.
Trình tự ký hợp đồng với Tổng cục Thuế:
- Tổ chức đáp ứng đầy đủ điều kiện gửi văn bản đề nghị ký hợp đồng cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn kèm theo hồ sơ chứng minh tới Tổng cục Thuế.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức cung cấp đủ hồ sơ chứng minh, Tổng cục Thuế phối hợp với tổ chức thực hiện kết nối kỹ thuật và kiểm tra truyền nhận dữ liệu giữa hai bên.
Sau khi kết nối thành công, Tổng cục Thuế và tổ chức ký hợp đồng cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn với cơ quan Thuế.
Thông tin về tổ chức kết nối được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.