
GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM MỐI QUAN HỆ GIỮA QUYỀN TƯ PHÁP VÀ QUYỀN HÀNH PHÁP
4.1. Giải pháp bảo đảm mối quan hệ giữa quyền tư pháp và quyền hành pháp trong thực hiện quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay
4.1.1. Đổi mới nhận thức về quyền tư pháp, quyền hành pháp và mối quan hệ giữa hai nhánh quyền lực này
Trong giới khoa học pháp lý hiện nay, nếu quyền hành pháp về cơ bản được nhận thức tương đối thống nhất thì các quan điểm về quyền tư pháp gần như chưa tìm được tiếng nói chung. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của quyền tư pháp, quyền hành pháp, trước hết cần nhận thức đúng và đầy đủ về hai nhánh quyền này, đặc biệt là quyền tư pháp.
Như đã phân tích ở chương hai, có rất nhiều quan điểm nhận diện quyền hành pháp và về cơ bản các quan điểm đó đều chung nhau ở một điểm: quyền hành pháp tuy về nguyên nghĩa là chấp hành và tổ chức thực thi các đạo luật nhưng không đơn thuần chỉ là sự chấp hành các đạo luật một cách thụ động; Quyền hành pháp ngày nay không chỉ là công việc điều hành chính sách quốc gia mà còn phải thực hiện công việc hoạch định chính sách quốc gia (để cơ quan lập pháp phê chuẩn chính sách một cách chính thức).
Đối với quyền tư pháp, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, tuy nhiên, cần nhận thức rằng: quyền tư pháp là quyền tài phán của Nhà nước được thực hiện dưới hình thức xét xử - là chức năng được trao duy nhất cho Tòa án. Quyền tư pháp là quyền giải quyết, phán quyết về các tranh chấp pháp lý xảy ra trong xã hội. Đó có thể là các tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân; tranh chấp giữa cá nhân với cơ quan, tổ chức; tranh chấp giữa các cơ quan, tổ chức với nhau. Nguyên tắc pháp quyền đòi hỏi cơ quan thực hiện quyền tư pháp không thể đứng ngoài các tranh chấp xảy ra trong xã hội. Khi các bên có tranh chấp và giữa các bên không có được sự thỏa thuận, hòa giải và có một bên khởi kiện, thì Tòa án không thể không can thiệp bằng quyền lực của mình. Tòa án không thể từ chối giải quyết các tranh chấp đó vì lý do không có luật điều chỉnh. Có như vậy, quyền con người, quyền công dân mới được bảo vệ; trật tự pháp luật mới được duy trì. Xử lý các vi phạm pháp luật bằng chế tài nghiêm khắc nhất của Nhà nước, giải quyết các tranh chấp bằng quyền lực Nhà nước đều thuộc thẩm quyền của Tòa án. Vì vậy, quy định của Hiến pháp là cơ sở hiến định cho việc mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các loại án, thể hiện xu thế tất yếu của nhà nước pháp quyền.
Ngoài ra, việc xác lập và bảo đảm mối quan hệ: phân công, phối hợp, kiểm soát giữa quyền hành pháp và quyền tư pháp mà cụ thể là Chính phủ và Tòa án là tất yếu khách quan trong quá trình thực hiện quyền lực nhà nước. Phân công là tiền đề, cơ sở để thực hiện sự phối hợp và kiểm soát giữa hai nhánh quyền lực này. Sự phối hợp dựa trên tiền đề phân công trên cơ sở hỗ trợ nhằm đảm bảo thực hiện thống nhất quyền lực nhà nước. Kiểm soát giữa quyền tư pháp và quyền hành pháp là một tất yếu trong Nhà nước pháp quyền, càng là tất yếu trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Kiểm soát giữa quyền tư pháp và quyền hành pháp không đồng nghĩa với việc can thiệp, làm phương hại đến độc lập của tư pháp, hành pháp. Trái lại, hiệu quả kiểm soát quyền tư pháp, quyền hành pháp càng được nâng cao thì càng tạo ra tiền đề để tư pháp độc lập thực sự và không làm mất đi tính mềm dẻo, linh hoạt của hành pháp. Dù mức độ, phạm vi kiểm soát giữa hai nhánh quyền này đến đâu thì cũng phải dựa trên công cụ pháp luật thể hiện ý chí của Nhân dân - chủ nhân của quyền lực nhà nước, tránh sự can thiệp tùy tiện vào quá trình thực hiện quyền tư pháp, quyền hành pháp. Và cũng cần xác định được mục đích xuyên suốt của việc bảo đảm mối quan hệ phân công, phối hợp, kiểm soát giữa quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp nói chung và giữa quyền tư pháp và quyền hành pháp nói riêng ở nước ta, đó là đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; xứng đáng là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân như đã hiến định ở Điều 2 – Hiến pháp năm 2013.
Theo: Nguyễn Thị Huyền
Link luận án: Tại đây
