Ngân hàng, doanh nghiệp dồn dập huy động vốn quốc tế
Dồn dập gọi vốn quốc tế
- Tuần qua, hàng loạt ngân hàng, doanh nghiệp công bố các hợp đồng huy động vốn khủng từ thị trường quốc tế.
Ngày 11/11, VPBank công bố việc ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD (tương đương gần 12.500 tỷ đồng) từ 5 định chế tài chính lớn, gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd.
Trong khi đó, SeABank cho biết vừa ký kết với Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) về khoản vay 200 triệu USD trong 7 năm.
- Không chỉ ngân hàng, mà các doanh nghiệp cũng lần lượt công bố các hợp đồng gọi vốn khủng.
Cụ thể, Công ty cổ phần Kinh doanh F88 cho biết vừa huy động thành công khoản vay 60 triệu USD từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable. Tính từ đầu năm đến nay, F88 đã huy động được 70 triệu USD từ nguồn vốn quốc tế.
Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan) và Công ty TNHH The Sherpa (công ty con trực thuộc Masan) cũng vừa nhận được một khoản vay hợp vốn có thời hạn trị giá 600 triệu USD. Đây là khoản vay hợp vốn lớn nhất với kỳ hạn dài nhất Masan từng huy động, thu hút 37 bên cho vay trong quá trình huy động vốn.
Trước đó, Công ty cổ phần Be Group đã ký hợp đồng tiếp nhận khoản vay lên đến 100 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche Bank (Đức). Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ký hợp đồng vay vốn với hạn mức 105 triệu USD và quyền được mở rộng lên tới 150 triệu USD (tương đương 3.675 tỷ đồng) với nhóm ngân hàng nước ngoài.
Hướng tiếp cận vốn mới cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh huy động vốn tại thị trường trong nước khó khăn, việc doanh nghiệp và tổ chức tín dụng huy động được nguồn vốn khủng từ thị trường quốc tế là điểm sáng, giúp doanh nghiệp tiếp tục thúc đẩy được hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo đà tăng trưởng cho năm tới. Đồng thời, đây là động lực để nhiều doanh nghiệp khác tìm kiếm nguồn vốn mới.
Mặc dù nguồn vốn quốc tế hiện rất dồi dào, song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể khai thác. Theo đó, để tiếp cận các tiêu chuẩn khắt khe từ các định chế tài chính quốc tế, doanh nghiệp phải có uy tín, có năng lực tài chính vững mạnh, số liệu công khai minh bạch, được kiểm toán bởi các tổ chức quốc tế, có phương án sử dụng vốn khả thi, có đơn vị tư vấn chuyên nghiệp…
Ngoài ra, dòng vốn phục vụ các dự án phát triển bền vững, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, các dự án xã hội… cũng thường được các định chế tài chính quốc tế ưu tiên hơn trong giải ngân.