Ly hôn đơn phương trong thời kỳ mang thai
Trong cuộc sống ngày nay có rất nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ bởi vì vợ chồng sống với nhau không hạnh phúc hoặc không tìm thấy tiếng nói chung hay nhiều lý do khác nước. Từ đó họ quyết định ly hôn nhưng liệu mọi người đã hiểu rõ các quy định của pháp luật về các trường hợp không được phép ly hôn hay chưa, vì vậy mọi người hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Ly hôn đơn phương là gì?
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án.
Theo đó ly hôn đơn phương (hoặc còn gọi là ly hôn không đồng tình) là khi một trong hai người trong một cuộc hôn nhân quyết định ly hôn mà không có sự đồng tình hoặc đồng thuận từ phía còn lại. Trong trường hợp này, một người chồng hoặc vợ quyết định chấm dứt mối quan hệ hôn nhân mà không cần sự đồng ý hoặc tham gia của người kia.
Ly hôn đơn phương thường xảy ra khi một trong hai người cảm thấy không hạnh phúc trong hôn nhân và quyết định chấm dứt nó mà không cần phải thông báo hay thỏa thuận với người kia. Trong một số trường hợp, người đối diện có thể không biết về ý định ly hôn cho đến khi nó xảy ra hoặc cho đến khi họ nhận được thông báo chính thức từ cơ quan chức năng hoặc qua tư cách của người kia.
2. Vợ mang thai có được ly hôn không?
Về nguyên tắc thì chồng có quyền làm đơn ly hôn đơn phương mà không cần sự đồng ý của vợ. Tuy nhiên về vấn đề ly hôn khi vợ đang mang thai, theo khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau:
“Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”
Từ quy định trên có thể thấy, trong điều kiện vợ đang mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ quyền ly hôn của người chồng không được thực hiện việc ly hôn, chỉ khi con của 2 vợ chồng đủ 12 tháng tuổi thì người chồng mới có quyền làm đơn đơn phương ly hôn.
Quy định này đưa ra nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người vợ, người mẹ cũng như đứa con đang trong thai kì. Điều này được đưa ra rất hợp lý bởi người vợ đang trong thời kỳ mang thai rất nhạy cảm, khó kiềm chế cảm xúc và người vợ cũng rất khó khăn trong việc mang thai, đo đó, cần phải có sự quan tâm chăm sóc của người chồng. Tránh trường hợp khi người chồng đề nghị ly hôn vào thời kỳ mang thai sẽ khiến người vợ bị sốc tâm lý gây nguy hiểm đến thai nhi và bà bầu. Bên cạnh đó thời kỳ đang nuôi con dưới 12 tháng cũng hết sức quan trọng bởi người vợ và đứa bé mới sinh đều còn rất yếu, cả hai cần được chăm sóc cẩn thận bởi người chồng. Do đó trách nhiệm của người chồng trong thời kỳ này là rất cần thiết, bởi vậy mà pháp luật mới có quy định không cho phép người chồng đơn phương ly hôn trong thời kỳ khó khăn này của người vợ
3. Khi nào được ly hôn khi vợ đang mang bầu?
Như đã đề cập ở phần trên, trong trường hợp người vợ đang thực hiện thiên chức làm mẹ, đang mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không được phép yêu cầu ly hôn.
Tuy nhiên, quy định này chỉ hạn chế quyền ly hôn của người chồng, có nghĩa là nếu người vợ làm đơn xin ly hôn, mặc dù đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, thì tòa án vẫn thụ lý, giải quyết như những trường hợp bình thường khác.
Điều này đồng nghĩa, việc ly hôn trong thời điểm này chỉ có thể thực hiện khi:
- Người vợ thực hiện yêu cầu ly hôn đối với người chồng.
- Cả hai vợ chồng đều thuận tình đồng ý ly hôn.
- Người yêu cầu giải quyết ly hôn là cha, mẹ, người thân thích khác khi một bên bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Khi đó, việc ly hôn sẽ được Tòa án giải quyết tùy theo từng trường hợp, theo thủ tục giải quyết của vụ án dân sự đối với ly hôn đơn phương (khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015) và thủ tục giải quyết của việc dân sự đối với thuận tình ly hôn (khoản 2 Điều 29 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
4. Hồ sơ ly hôn cần những giấy tờ gì?
Hồ sơ ly hôn cần những giấy tờ sau:
- Đơn khởi kiện về việc ly hôn: có thể viết tay hoặc đánh máy hoặc có thể đến trực tiếp tại Tòa án nhân dân cấp huyện để mua mẫu đơn.
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản chính;
- Bản sao sổ hộ khẩu có chứng thực;
- Bản sao chứng minh thư nhân dân có chứng thực của hai vợ chồng.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã nơi vợ chồng bạn cư trú (có thể là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú) để yêu cầu Tòa án giải quyết.
Kết luận
Như vây có thể thấy việc đơn phương ly hôn đều có thể thực hiện được ngoại trừ trường hợp vợ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không thể thực hiện việc đơn phương ly hôn nhưng người vợ thì ngược lại. Người vợ vẫn có quyền đơn phương ly hôn trong thời kỳ này hoặc có thỏa thuận thuận tình ly hôn của hai vợ chồng. Điều này cho thấy trong thời kỳ này chỉ có người chồng bị giới hạn việc đơn phương ly hôn, còn người vợ thì có quyền quyết định việc ly hôn hay không bởi người vợ đang mang thai hay là người làm mẹ cần sự quan tâm chăm sóc rất lớn.