
Các nhân tố ảnh hưởng tới công tác quản lý hợp đồng xây dựng
1. Các nhân tố ảnh hưởng tới công tác quản lý hợp đồng xây dựng
Công tác quản lý hợp đồng xây dựng chịu sự ảnh hưởng của nhiều nhân tố, trong đó có 5 nhân tố chính, được trình bày và phân tích trong các nội dung dưới đây.
1.1 Cơ chế chính sách nhà nước về hợp đồng xây dựng
Việc xây dựng ban hành và sửa đổi bổ sung cơ chế trong quản lý đầu tư và xây dựng trong những năm qua thường xuyên biến động, có nhiều thời kỳ cơ chế không đồng bộ, không thống nhất. Việc song hành thực hiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã gây ra không ít khó khăn trong quản lý đầu tư và xây dựng nói chung và công tác quản lý hợp đồng nói riêng. Ví dụ cụ thể như: Hợp đồng Tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng mở rộng Học viện Tài chính (dự án thuộc nhóm A) tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (nay là phường Đức Thắng, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm), Hà Nội do Ban quản lý dự án Bộ Tài chính làm chủ đầu tư. Hợp đồng này được ký kết giữa Ban quản lý dự án Bộ Tài chính và Liên danh Công ty cổ phần Kiến trúc Đương Đại & Công ty cổ phần Convest Land năm 2012. Hợp đồng đang trong quá trình thực hiện thì nhà nước ban hành Luật Đầu tư công vào ngày 18/6/2014, Luật này có hiệu lực từ 01/01/2015. Theo điểm c khoản 1, Điều 106 Điều khoản chuyển tiếp Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 thì các dự án chưa có trong kế hoạch đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phải thực hiện việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, gây phức tạp cho công tác quản lý hợp đồng [7]. Đến nay, sản phẩm của hợp đồng vẫn chưa phê duyệt được.
Thực tế của nhiều quốc gia trên thế giới cũng tương tự, dù là nước có nhiều hay ít kinh nghiệm về quản lý xây dựng. Cơ chế chính sách của Nhà nước thường có tác động lớn đến lĩnh vực đầu tư xây dựng. Nếu chính sách hợp lý, các văn bản quy phạm của Nhà nước được ban hành đầy đủ, đồng bộ và kịp thời thì sẽ liên tục thúc đẩy sự phát triển của ngành xây dựng và ngược lại khi chính sách đưa ra thiếu đồng bộ hoặc còn chậm, chưa được cụ thể, sẽ có ảnh hưởng tiêu cực ngay lập tức. Lý do là các cơ quan ban ngành đang trực tiếp quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng sẽ có tâm lý làm chậm tiến trình thực hiện, thậm chí dừng lại để nghe ngóng các cơ quan khác thực hiện, hoặc bị động chờ đợi đến khi có chỉ đạo trực tiếp của cấp trên mới thực hiện. Ví dụ, nếu văn bản của Nhà nước quy định rõ và đầy đủ về nội dung hợp đồng cho từng loại hợp đồng trong hoạt động xây dựng nó có thể điều chỉnh được hành vi và ý thức của các chủ thể tham gia hợp đồng và buộc họ phải nghiêm túc thực hiện theo quy định của pháp luật. Ngược lại nếu thiếu các quy định rõ ràng và có quy định thiếu chặt chẽ sẽ dẫn đến việc triển khai thực hiện có thể khó khăn hoặc cũng có thể bị lạm dụng. Nếu chưa phân rõ quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng xây dựng có thể dẫn đến thực hiện tùy tiện, thiếu minh bạch và thiếu tinh thần nghiêm túc trong quá trình thực hiện các cam kết đó và dễ có thể xảy ra tranh chấp. Nếu không quy định đầy đủ về trách nhiệm của các bên trong hợp đồng xây dựng, khi một trong các bên vi phạm cam kết sẽ dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm cho nhau rất khó giải quyết. Nếu chưa quy định cụ thể xử lý tranh chấp trong hợp đồng xây dựng thì sẽ khiến việc giải quyết khi xảy ra tranh chấp gặp nhiều khó khăn.
1.2 Năng lực chuyên môn, trang thiết bị của Chủ đầu tư
-Năng lực chuyên môn: Chủ đầu tư là người sở hữu vốn hoặc được nhà nước giao sở hữu vốn để quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, lại là một trong hai chủ thể trực tiếp tham gia trong quan hệ hợp đồng. Chủ đầu tư là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về hợp đồng trong hoạt động xây dựng của mình. Nhiều chủ đầu tư năng lực kém không có chuyên môn và kiến thức về đầu tư xây dựng công trình, chưa nắm chắc các quy định về công tác quản lý hợp đồng xây dựng nên ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, quản lý hợp đồng lỏng lẻo, thiếu kinh nghiệm dẫn đến công trình triển khai bị chậm tiến độ và phải điều chỉnh giá gây thất thoát lãng phí nguồn vốn đầu tư, chất lượng công trình bị ảnh hưởng. Ví dụ một hợp đồng trong ngành giao thông được báo chí đã nói trong thời gian qua. Hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư phía Việt Nam và nhà thầu Nhật Bản. Hợp đồng được thực hiện theo hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, được thanh toán bằng hai loại đồng tiền: Đồng Việt Nam và Yên Nhật. Giá hợp đồng được điều chỉnh theo công thức điều chỉnh giá quy định trong hợp đồng. Đến khi thanh toán hợp đồng, chủ đầu tư mới tá hỏa khi phát hiện ra rằng, nhà thầu có cách hiểu hoàn toàn khác với chủ đầu tư về điều chỉnh giá hợp đồng. Chủ đầu tư phía Việt Nam đinh ninh rằng, việc điều chỉnh giá hợp đồng chỉ áp dụng đối với phần công việc được thanh toán bằng đồng tiền Việt Nam. Trong khi đó, nhà thầu Nhật Bản thì khẳng định, việc điều chỉnh giá hợp đồng áp dụng cho cả phần công việc thanh toán bằng Yên Nhật. Sự không rõ ràng về điều khoản điều chỉnh giá hợp đồng là nguyên nhân khiến mỗi bên lý giải hợp đồng theo cách có lợi cho mình. Cho đến thời điểm này, tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu nước ngoài vẫn chưa ngã ngũ. Rõ ràng năng lực của chủ đầu tư cũng là nhân tố ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý hợp đồng.
Năng lực chuyên môn của chủ đầu tư chính là khả năng, trình độ chuyên môn và đạo đức của các thành viên tham gia quản lý hợp đồng trong hoạt động xây dựng của chủ đầu tư (gọi chung là nhà quản lý). Nhà quản lý có trình độ quản lý tốt, trình độ chuyên môn giỏi và có đạo đức tốt sẽ quản lý tốt hơn những nhà quản lý có trình độ chuyên môn, trình độ quản lý yếu kém và đạo đức không tốt. Ý thức chấp hành pháp luật trong quản lý hợp đồng thể hiện đạo đức của nhà quản lý. Nhà quản lý chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước sẽ ảnh hưởng tốt đến chất lượng, thời gian và chi phí hợp đồng xây dựng. Ngược lại, nếu xảy ra vi phạm pháp luật vô tình hay hữu ý của các nhà quản lý đều ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và các cam kết mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng và có thể làm phát sinh thêm chi phí.
- Trang thiết bị: Trang thiết bị của chủ đầu tư có đóng góp một phần quan trọng vào sự thành công của dự án. Nếu chủ đầu tư được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công việc nó sẽ đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý của chủ đầu tư. Ví dụ cụ thể như chủ đầu tư được trang bị máy đo đạc, tốt với độ chính xác cao sẽ hạn chế được các sai sót không đáng có…
1.3 Năng lực chuyên môn của nhà thầu thi công xây lắp
Năng lực của nhà thầu thi công xây lắp là một yếu tố tiên quyết và quan trọng số một đối với việc thành công của hợp đồng xây dựng. Năng lực chuyên môn tốt của nhà thầu thể hiện qua nhiều yếu tố như tính chuyên nghiệp cao, khả năng, kinh nghiệm, trình độ và phẩm chất đạo đức đội ngũ cán bộ, trang thiết bị máy móc, khả năng tài chính, số lượng và tay nghề của đội ngũ công nhân… Nhà thầu có năng lực chuyên môn tốt, có uy tín cao sẽ dễ dàng đáp ứng và thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng. Ngược lại nhà thầu có năng lực yếu, đội ngũ cán bộ công nhân có tay nghề kém (ví dụ như việc sử dụng công nhân mùa vụ) không được đào tạo tại các cơ sở đào tạo có uy tín của Nhà nước hoặc không được thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao tay nghề, phong cách làm việc thiếu chuyên nghiệp sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý hợp đồng của chủ đầu tư. Ví dụ điển hình như nhà thầu Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt (Trung Quốc) làm tổng thầu EPC tuyến đường sắt Cát Linh Hà Đông có quá nhiều yếu kém dẫn đến công trình chậm tiến độ, mất an toàn và khiến dự án bị đội vốn lên cao, như báo chí đã tốn nhiều giấy mực phản ánh trong thời gian qua.
1.4 Năng lực chuyên môn của nhà thầu tư vấn xây dựng
Năng lực chuyên môn của nhà thầu tư vấn xây dựng thể hiện qua nhiều yếu tố như số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn xây dựng của cả tổ chức và các cá nhân trong tổ chức, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ các cán bộ trong cơ quan và đặc biệt là các cán bộ làm chủ nhiệm thiết kế, chủ nhiệm khảo sát công trình, họ có đủ kinh nghiệm và có đủ các văn bằng chứng chỉ đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành không…, trang thiết bị máy móc của đơn vị thế nào… (Nhà thầu có năng lực chuyên môn tốt, có uy tín cao sẽ luôn luôn đề cao uy tín của nhà thầu lên trước hết, từ đó coi trọng viêc đảm bảo thực hiện tốt các hợp đồng đã ký và nghiêm túc thực hiện đầy đủ những cam kết trong hợp đồng). Ngược lại nhà thầu có năng lực yếu, thậm chí có thể có quan hệ mua bán chuyển nhượng trong các hợp đồng, thiếu trách nhiệm trong chuyên môn sẽ làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng thực hiện hợp đồng. Ví dụ như hợp đồng khảo sát xây dựng kém dẫn đến sai sót, thiếu chính xác có thể gây nên hậu quả thiệt hại lớn về kinh tế, bản thiết kế nhiều sai sót có thể gây hậu quả nghiêm trọng, công tác lập dự toán tính thiếu khối lượng, lập tổng mức đầu tư thiếu chi phí dự phòng, khối lượng phát sinh…, có thể dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng đến công tác quản lý hợp đồng của chủ đầu tư.
Theo: Lại Văn Lương , Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Đặng Hoàng Mai
Link tham khảo: Tại đây
