
Tình hình nghiên cứu lý luận về quyền của người khuyết tật trong pháp luật an sinh xã hội
1.1. Tình hình nghiên cứu lý luận về quyền của người khuyết tật trong pháp luật an sinh xã hội
Thứ nhất, khái niệm và đặc điểm người khuyết tật.
Khái niệm và đặc điểm NKT được đề cập trong một số công trình nghiên cứu với góc độ tiếp cận, phạm vi tiếp cận khác nhau. Một số công trình đã đưa ra khái niệm và đặc điểm của người khuyết tật bao gồm:
Giáo trình “Luật người khuyết tật Việt Nam”, Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2011, tr. 21 đưa ra khái niệm NKT như sau: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng dẫn đến nhiều hạn chế đáng kể và lâu dài trong việc tham gia của người khuyết tật vào hoạt động xã hội trên cơ sở bình đẳng với các chủ thể khác”. Các tác giả đã phân tích đặc điểm NKT dưới 2 góc độ là góc độ kinh tế - xã hội và góc độ dạng tật. Dưới góc độ kinh tế, NKT là nhóm cư dân đặc biệt phải chịu thiệt thòi về kinh tế - xã hội và nhân khẩu học. Dưới góc độ dạng tật và mức độ khuyết tật thì NKT gồm NKT vận động; NKT nghe nói; NKT nhìn; NKT thần kinh, tâm thần; NKT trí tuệ và NKT khác. Mỗi dạng khuyết tật có đặc điểm riêng, chung về tâm, sinh lí, khả năng.
Tác giả Nguyễn Thị Báo đã đưa ra khái niệm NKT trong Luận án tiến sỹ luật học “Hoàn thiện pháp luật về quyền của người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay”, Học viện Hành chính Quốc gia, năm 2008, và cuốn sách chuyên khảo “Pháp luật về quyền của người khuyết tật ở Việt Nam”, NXB Tư pháp, năm 2011, Theo tác giả Nguyễn Thị Báo thì“Người khuyết tật là những người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc có những rối loạn về sinh lý, tâm lý hay một chức năng nào đó của con người, không phân biệt nguồn gốc gây ra, dẫn đến hạn chế một phần hoặc mất khả năng lao động và gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập, hoà nhập cộng đồng”. Tác giả Nguyễn Thị Báo nghiên cứu đặc điểm NKT dưới hai góc độ sinh học và xã hội. Về mặt sinh học, NKT là những người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể, hoặc có những rối loạn về sinh lý, tâm lý hay một chức năng nào đó của con người do nhiều nguyên nhân khác nhau. Về mặt xã hội, NKT là những người tổn thương nhất trong nhóm dễ bị tổn thương, là người yếu thế trong xã hội do bị khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần.
Có thể thấy, cả hai công trình trên đều có điểm chung là tiếp cận khái niệm NKT dưới góc độ y tế nhưng có tính đến yếu tố xã hội, NKT là người có những khiếm khuyết cơ thể hoặc suy giảm chức năng, từ đó dẫn đến họ gặp những khó khăn khi tham gia các hoạt động xã hội.
Một số công trình nghiên cứu khác lại phân tích, bình luận để làm rõ khái niệm NKT trong văn bản pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về NKT, bao gồm:
Bài viết “Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và sự tiếp nhận trong pháp luật Việt Nam” của tác giả Đinh Thị Cẩm Hà đăng trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 7/2015, tr. 9-13, tác giả đánh giá việc sử dụng thuật ngữ “người khuyết tật” trong Luật Người khuyết tật năm 2010 đã tương thích với Công ước Quốc tế về quyền NKT năm 2010. Tác giả Nguyễn Thị Thuận không đưa ra khái niệm NKT mà chỉ giải thích làm rõ khái niệm NKT đã được ghi nhận trong Công ước Quốc tế về quyền của NKT trong bài viết “Người khuyết tật trong Luật Quốc tế - Những vấn đề pháp lý hiện đại” đăng trên tạp chí Luật học số đặc san pháp luật NKT năm 2013.
Trong bài viết “The Definition of Disability in German and Foreign Discrimination Law”4, tác giả Theresia Degener đã xem xét các định nghĩa của Đức về khuyết tật trong Đạo luật Bình đẳng về Người khuyết tật (BGG) năm 2002 và Luật phục hồi mới của Bộ Luật xã hội năm 2001, Quyển số Chín (SGB IX) không phù hợp với tiêu chuẩn xã hội/nhân quyền. Tác giả cũng so sánh định nghĩa khuyết tật trong pháp luật Đức với pháp luật Thuỵ Sỹ, Áo, Hoa Kỳ, NewZealand và Ireland thì thấy rằng pháp luật Đức có phần tụt hậu trong quá trình hướng đến cách tiếp cận toàn diện hơn để xác định NKT trong bối cảnh luật phân biệt đối xử.
Trong cuốn sách “Understanding the UN Convention on the rights of persons with disabilities” (xuất bản bởi Handicap International, tái bản vào tháng 7 năm 2010, tác giả Marianne Schulze đã giải thích các quy định trong Công ước quốc tế về quyền của NKT đặt trong mối quan hệ với các Công ước quốc tế khác về quyền con người của Liên hợp quốc. Theo tác giả thì điểm e trong Lời nói đầu của CRPD không đóng khung định nghĩa NKT mà chỉ mô tả về NKT. Sự không định nghĩa này bao hàm mô hình xã hội, thừa nhận sự phân biệt đối xử. Lý do chính dẫn đến vô hiệu hoá quyền của NKT là do các rào cản thuộc nhiều loại khác nhau bao gồm môi trường xây dựng, các yếu tố xã hội, khuôn mẫu, định kiến và các hình thức bảo trợ.
Trong cuốn sổ tay “From Exclusion to equality: Realizing the rights of persons with disabilities” (do Vụ Kinh tế và Xã hội (UN-DESA), Giám đốc Cao uỷ viên Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) và Liên minh Nghị viện (IPU) cùng biên soạn) đã hướng dẫn nâng cao nhận thức về CRPD và các điều khoản của nó, cũng như cơ chế, khuôn khổ cần thiết để chuyển Công ước vào thực tiễn. Về định nghĩa khuyết tật trong CRPD, các tác giả cũng khẳng định trong Công ước không định nghĩa rõ ràng về khuyết tật cũng như thuật ngữ người khuyết tật. Công ước chỉ ra, thay vì định nghĩa, ai là người khuyết tật. Người khuyết tật “bao gồm” những người bị suy giảm lâu dài về thể chất, tinh thần, trí tuệ hoặc giác quan; nói cách khác, Công ước bảo vệ ít nhất những cá nhân đó. Ngụ ý trong chỉ dẫn này là sự hiểu biết rằng các Quốc gia có thể mở rộng phạm vi những người được bảo vệ để bao gồm, ví dụ, những người bị khuyết tật ngắn hạn. Cách tiếp cận của Công ước đối với NKT nhấn mạnh tác động đáng kể mà các rào cản về cơ sở và môi trường xã hội đối với việc thụ hưởng các quyền con người của NKT.
Trong những công trình này mặc dù tác giả không đưa ra định nghĩa NKT nhưng thông qua phân tích định nghĩa NKT trong Luật NKT Việt Nam và trong CRPD thì thấy rằng các tác giả đều đồng tình với cách tiếp cận của CRPD rằng những rào cản về môi trường xã hội, định kiến xã hội là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc NKT tiếp cận quyền.
Thứ hai, khái niệm quyền của người khuyết tật và quyền của người khuyết tật trong pháp luật an sinh xã hội.
Sách chuyên khảo “Pháp luật về quyền của người khuyết tật ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị Báo, Nhà xuất bản Tư pháp, năm 2011, đã đưa ra khái niệm và đặc điểm quyền của NKT. Theo tác giả thì “Quyền của người khuyết tật bao gồm các quyền tự do cơ bản của con người, là phẩm giá, nhu cầu, lợi ích và năng lực vốn có ở con người – với tư cách là thành viên của cộng đồng nhân loại và được chăm sóc, bảo vệ đặc biệt, với tư cách là nhóm đặc thù dễ bị tổn thương bởi sự khuyết tật, được thừa nhận và bảo hộ bằng pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia”. Tác giả xác định, quyền của NKT có đặc điểm chung với quyền con người và đặc điểm riêng. Đặc điểm chung gồm 3 đặc điểm: Một là, NKT có các quyền cơ bản của con người nên quyền NKT bao hàm tất cả những đặc điểm cơ bản của quyền con người như tính vốn có, tính phổ biến, tính đặc thù, tính không thể chuyển nhượng, tính không thể chia cắt và phụ thuộc lẫn nhau. Hai là, quyền của NKT ít có điều kiện để thực hiện đầy đủ và dễ bị lạm dụng. Ba là, một số quyền của NKT được hưởng ưu tiên theo luật định. Đặc điểm riêng bao gồm: Một là, NKT tâm thần nặng, người thiểu năng trí tuệ có các quyền dân sự, chính trị không đầy đủ, và có một số quyền kinh tế, xã hội văn hoá đặc thù; hai là, một số quyền của NKT cần được ưu tiên theo luật định.
Theo: Nguyễn Thị Thu Hường
Link luận án: Tại đây
