Quan niệm hiện hành của WTO về chống bán phá giá, tranh chấp về chống bán phá giá và pháp luật quốc tế áp dụng trong giải quyết tranh chấp về chống bán phá giá
2.1. Quan niệm hiện hành của WTO về chống bán phá giá, tranh chấp về chống bán phá giá và pháp luật quốc tế áp dụng trong giải quyết tranh chấp về chống bán phá giá
2.1.1. Quan niệm hiện hành của WTO về chống bán phá giá và tranh chấp về chống bán phá giá
Trong thương mại quốc tế thời kỳ trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai,
đặc biệt là trong quá trình đàm phán cho ra đời Hiến chương Havana, những nước tham gia đàm phán đã chia BPG thành bốn nhóm: BPG về giá, BPG dịch vụ, BPG hối đoái và BPG xã hội. Sau này, chỉ có BPG về giá là tiếp tục được qui định trong Điều VI của GATT 1994 và trở thành khái niệm BPG trong thương mại quốc tế được sử dụng phổ biến ngày nay. Theo qui định của GATT 1994 và ADA, một sản phẩm bị coi là BPG nếu giá xuất khẩu của sản phẩm thấp hơn giá trị thông thường của sản phẩm đó . BPG trong thương mại quốc tế tác động tới nền kinh tế của cả nước nhập khẩu và nước xuất khẩu, do đó, trong một số trường hợp, để đối phó và hạn chế những tác động tiêu cực từ việc hàng nhập khẩu BPG, nước nhập khẩu có thể tiến hành các biện pháp chống BPG.
Như vậy, chống BPG được hiểu là “việc các cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phù hợp tác động trực tiếp lên sản phẩm nhập khẩu BPG để loại bỏ những thiệt hại mà sản phẩm nhập khẩu BPG đó gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa tương tự của nước mình”.
Liên quan tới vấn đề BPG và chống BPG, quan điểm của WTO thể hiện ở những nội dung cơ bản sau đây: thứ nhất, WTO không có qui định cấm việc BPG và cũng không điều chỉnh lĩnh vực này bởi BPG là hành vi của doanh nghiệp. WTO chỉ tập trung qui định cách thức mà các Chính phủ thành viên có thể hoặc không thể tiến hành các hành động để chống lại hàng nhập khẩu BPG; thứ hai, không phải mọi trường hợp hàng nhập khẩu BPG thì các Chính phủ thành viên đều có quyền tiến hành các hành động để chống lại. Hàng nhập khẩu cũng phải BPG và gây ra những thiệt hại đến một mức độ nhất định thì mới bị áp dụng các biện pháp chống BPG; thứ ba, việc áp dụng các biện pháp chống BPG là quyền, chứ không phải là nghĩa vụ, của Chính phủ thành viên là nước nhập khẩu. Việc thành viên là nước nhập khẩu có ra quyết định khởi xướng các cuộc điều tra chống BPG cũng như có áp dụng các biện pháp chống BPG đối với hàng nhập khẩu hay không hoàn toàn là sự lựa chọn của họ cho dù tất cả các căn cứ và yêu cầu đều đã được đáp ứng đầy đủ.
Trong trường hợp nước nhập khẩu muốn đối phó với hàng nhập khẩu BPG thì họ có quyền áp dụng các biện pháp chống BPG (Anti-dumping measures) . Các biện pháp chống BPG thường được các nước nhập khẩu qui định và áp dụng bao gồm: thuế chống BPG chính thức, biện pháp cam kết giá và biện pháp tạm thời. Có thể thấy, các biện pháp chống BPG nói trên chủ yếu là các biện pháp hành chính, là công cụ tài chính - phi thuế quan mà nước nhập khẩu có thể sử dụng để chống lại hàng nhập khẩu BPG, và về bản chất, chúng mang nặng tính chính trị và bảo hộ cho ngành công nghiệp nội địa trước sức ép cạnh tranh của ngành công nghiệp nước ngoài, chứ không hoàn toàn dựa trên những tính toán về lợi ích tổng thể của nền kinh tế hay của người tiêu dùng.
Khi một nước nhập khẩu, bằng công cụ pháp luật về chống BPG của nước mình, khởi xướng các cuộc điều tra và áp dụng các biện pháp chống BPG nhằm đối phó với hàng nhập khẩu BPG thì cũng chính là cách thức mà nước đó đã sử dụng để giải quyết những tranh chấp về BPG giữa các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm BPG với các doanh nghiệp nội địa của họ hiện đang sản xuất các sản phẩm tương tự với sản phẩm nhập khẩu. Bởi lẽ, trong trường hợp này, xét về bản chất, đã có một tranh chấp thương mại (tranh chấp về BPG) giữa các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm BPG với các doanh nghiệp nội địa sản xuất các sản phẩm tương tự với sản phẩm nhập khẩu về việc có sự chênh lệch về giá của sản phẩm. Để bảo vệ quyền lợi của mình, một hoặc một nhóm các doanh nghiệp có đủ điều kiện để được coi là đại diện cho ngành sản xuất trong nước theo pháp luật về chống BPG của nước nhập khẩu có thể đứng đơn kiện và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mình tiến hành các thủ tục điều tra chống BPG đối với hàng nhập khẩu. Trên cơ sở yêu cầu đó, cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu sẽ tiến hành các thủ tục điều tra và giải quyết tranh chấp về BPG, xem xét và quyết định việc liệu có áp dụng các biện pháp chống BPG đối với sản phẩm nhập khẩu hay không.
Để được thực hiện một cách hợp pháp và có hiệu quả, hầu hết các quốc gia đều xây dựng hệ thống pháp luật về chống BPG hàng nhập khẩu của nước mình, với nội dung thường bao gồm một số các chế định cơ bản như chế định về xác định việc BPG, chế định về xác định thiệt hại vật chất đối với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu, chế định về xác định mối quan hệ nhân quả giữa việc BPG và thiệt hại vật chất, chế định về các biện pháp chống BPG cụ thể, chế định về thủ tục rà soát việc áp dụng thuế chống BPG. Việc chống BPG sẽ được tiến hành theo một trình tự nhất định căn cứ vào pháp luật về chống BPG của nước nhập khẩu. Trong trường hợp các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài là đối tượng bị áp dụng các biện pháp chống BPG không đồng ý với quyết định của cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu, thì có thể lựa chọn hoặc sử dụng đồng thời hai biện pháp sau:
Một là, tiến hành các thủ tục khiếu kiện tư pháp để yêu cầu xem xét lại quyết định đã được ban hành. Trên thực tế, các quốc gia có thể lựa chọn và xây dựng thủ tục này theo một trong các mô hình sau đây: (i) thủ tục và thiết chế tư pháp; (ii) thủ tục và thiết chế tài phán hành chính; (iii) thủ tục và thiết chế trọng tài; và (iv) thủ tục khiếu nại hành chính. Ví dụ như, ở Hoa Kỳ, Tòa án thương mại quốc tế (The United States Court of International Trade) là cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện các quyết định hành chính về chống BPG, hoạt động giống như một tòa án hành chính chứ không phải là một tòa án tư pháp. Phán quyết của Tòa án thương mại quốc tế có hiệu lực ngay sau khi được tuyên và có thể bị kiện lên Tòa phúc thẩm Hạt Liên bang (The Court of Appeals for the Federal Circuit) để được xem xét lại. Trong khi đó ở EU, các bên liên quan trong một vụ kiện chống BPG có thể khiếu kiện lên Tòa sơ thẩm Châu Âu (The Court of First Instance). Phán quyết của Tòa sơ thẩm Châu Âu có thể bị kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm lên Tòa án Công lý Châu Âu (The European Court of Justice). Phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu là chung thẩm. Theo Điều 13 của ADA, tất cả thành viên WTO đều phải qui định các thủ tục hoặc các thiết chế nhất định trong pháp luật quốc gia để thực hiện việc xem xét lại các quyết định cuối cùng về chống BPG một khi các bên liên quan thực hiện quyền khiếu kiện tư pháp của mình. Tuy nhiên, cho dù thuộc mô hình nào thì các thiết chế giải quyết khiếu kiện chống BPG trên đây cũng phải độc lập với cơ quan có quyết định về chống BPG bị khiếu nại, nhằm bảo đảm cho việc giải quyết khiếu kiện một cách khách quan và công bằng.
Hai là, vận động Chính phủ của nước mình khởi kiện Chính phủ nước nhập khẩu và sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa các quốc gia.
Như vậy, theo pháp luật về chống BPG của một quốc gia thành viên, có hai loại tranh chấp khác nhau liên quan tới lĩnh vực chống BPG: (1) “tranh chấp về BPG” là tranh chấp giữa các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm BPG với các doanh nghiệp nội địa của nước nhập khẩu sản xuất các sản phẩm tương tự với sản phẩm nhập khẩu; (2) “tranh chấp về chống BPG” là tranh chấp giữa tư nhân (doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài) với Chính phủ (nước nhập khẩu áp dụng biện pháp chống BPG) về việc áp dụng các biện pháp chống BPG. Theo pháp luật quốc tế, tranh chấp về chống BPG được hiểu là tranh chấp giữa các quốc gia liên quan tới vấn đề áp dụng các biện pháp chống BPG.
Tranh chấp về chống BPG (Anti-dumping dispute) giữa các thành viên WTO là loại tranh chấp có thể được đưa ra giải quyết theo DSM của WTO. Mặc dù đây là một trong những loại tranh chấp phổ biến nhất tại WTO nhưng bản thân WTO lại không đưa ra một khái niệm chính thức nào đối với loại tranh chấp này. Trong khuôn khổ GATT 1947, cũng không có bất kì qui định nào, ngay kể cả Điều VI có đề cập tới khái niệm này. Trong ADC 1967, tại Điều 17, có nêu ra, một phần nào đó, khái niệm tương đối rộng và còn rất chung chung, đối với tranh chấp về chống BPG, đó là tranh chấp về “các vấn đề liên quan tới việc vận hành hệ thống chống BPG tại bất kì thành viên và vùng lãnh thổ hải quan nào mà có thể tác động tới hoạt động của ADC”. Đến ADC 1979, lần đầu tiên, bộ luật này đã nêu lên một khái niệm chính thức trong phần chú thích của Điều 15, theo đó, tranh chấp về chống BPG được hiểu là “những tranh chấp phát sinh giữa các Bên liên quan tới các quyền và nghĩa vụ theo Hiệp định”. Khái niệm tương đối khái quát và rộng này, sau đó, đã không còn được nêu lại trong ADA.
Theo: Nguyễn Thị Thu Hiền
Link luận án: Tại đây